DO ART Là một chất liệu hội họa phổ biến và dùng để vẽ rất nhiều thể loại như: tranh tĩnh vật, phong cảnh, chân dung, minh họa... Màu nước là chất liệu dễ vẽ nếu ta hiểu được về những đặc tính của màu và có một bắt đầu đúng hướng. Sau đây, DO ART xin chia sẻ một số kinh nghiệm để bắt đầu vẽ màu nước được dễ dàng và hiệu quả.
Để trả lời cho câu hỏi “tính chất của màu nước là gì”, điều đầu tiên ta nên hiểu “nó được tạo ra như thế nào?”.
Màu nước (watercolor) các sắc tố màu được hoà tan vào nước tạo ra một dung dịch có màu sắc.
- Màu nước làm từ hạt sắc tố (pigment) trộn với chất nghiền màu (binder), gôm arabic (gum arabic).Gôm arabic là sản phẩm tự nhiên, không độc hại (dùng trong ngành sản xuất thực phẩm), hoà tan với nước, có tính acid nhẹ và chất nghiền màu tương đối yếu.
- Màu nước có gốc nước nên khô rất nhanh (khác sơn dầu khô lâu), tiện lợi cho việc di chuyển, có thể vẽ ở bất cứ đâu. Màu nước dễ chùi rửa, vệ sinh hoạ cụ chỉ việc hoà với nước.
- Vì sử dụng nước trong suốt quá trình vẽ nên bề mặt giấy cần được lựa chọn chuyên dụng, giấy có bề mặt phù hợp với phương pháp người vẽ cũng như ít bong tróc, độ giữ màu cao. Ngoài ra màu nước còn được dùng vẽ trên vải, lụa, da…
Sự khác nhau giữa màu nước hạng (hoạ sĩ) chuyên nghiệp và màu nước hạng sinh viên?
- Phổ màu hạng sinh viên ít màu hơn hạng chuyên nghiệp, làm từ bột màu nhân tạo thay thế cho bột màu truyền thống đắt tiền, hoặc pha trộn từ vài loại bột màu để mô phỏng màu đơn sắc tố dùng trong hạng chuyên nghiệp. Màu sinh viên có lượng chất phụ gia (filler) nhiều hơn và giá thành thấp do không đạt độ tinh khiết và độ bền như hạng chuyên nghiệp.
Ví dụ: phổ màu hạng chuyên nghiệp của hãng Winsor and Newton, Professional Watercolor, có 96 màu, trong đó có 75 màu đơn sắc tố, 93 màu được xếp hạng bền vững (AA: cực bền, A: bền). Màu hạng sinh viên Cotman watercolor có 40 màu, trong đó 19 màu đơn sắc tố.
Sự khác nhau giữa màu nước pan (bánh) và loại tube (tuýp)
- Màu nước loại pan là bánh màu nước cứng, khô, khi vẽ dùng bút lông làm ướt màu. Loại pan thích hợp để vẽ ngoài trời. Bánh màu dễ nứt khi để lâu, dễ bẩn khi dùng cọ không sạch lấy màu.
- Màu tube đặc, sền sệt, khi dùng cho lượng vừa phải ra palette (hay pha màu) rồi hoà loãng với nước. Khi màu trên palette khô, chỉ cần làm ướt lại bằng bút lông hoặc bình xịt là có thể sử dụng bình thường.
(Màu nước dạng pan và cọ vẽ)
Tính thuần khiết
- Những thuộc tính ấy là do các lớp màu mỏng luôn được đặt lên giấy và các lớp màu đó trở nên trong suốt khi có những tia sáng xuyên qua.
- Vì vậy, khi vẽ màu nước ta có thể lợi dụng độ trắng của giấy và chừa ánh sáng cũng như pha thật nhiều nước với màu để tạo ra các màu nhạt hơn.
Cường độ màu
- Đối với màu nước, cường độ đậm nhạt của màu thay đổi tùy theo lượng màu nhiều hay ít cũng như những lớp được chồng lên.
- Ngoài ra, cường độ màu còn được nhận biết qua tính nóng lạnh và tươi, trầm của chính màu sắc đó.
Vòng màu sắc và cách phối màu cơ bản
- Đối với màu nước cũng như các chất liệu màu khác, ba màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh lam ) kết hợp để tạo ra các màu thứ cấp khác, sự pha trộn trong nước hòa tan các tinh thể màu dễ dàng hơn các chất liệu khác.
Hòa sắc trong bài học màu nước
- Đối với người vừa bắt đầu, độ đậm nhạt giữa những lớp màu được yêu cần chú trọng cũng như tạo ra điểm nhấn cho tác phẩm qua độ sáng, tối trong một bài vẽ đơn sắc cũng như kết hợp thêm nóng, lạnh trong bài hòa sắc.
(Bài vẽ Gam màu nóng, gam màu lạnh và hòa sắc nóng-lạnh sử dụng cách vẽ chồng lớp)
Kỹ thuật cơ bản để vẽ màu nước
- Với màu nước nên vẽ từ sáng tới tối. Cách ngược lại, thêm sáng vào tối hơi khó. Họa sĩ màu nước thường sử dụng kỹ thuật “wash”.
- Kỹ thuật chồng lớp (Wash) áp dụng lớp này sang lớp khác một lớp màu mỏng phủ lên khu vực lớn (chờ lớp này khô rồi đổ lớp tiếp theo) để tạo chiều sâu và vẽ chi tiết lên.
- Lưu ý: màu được phủ nhẹ nhàng, và chồng lớp với lượng màu có điều chỉnh, tránh đi cọ tới lui nhiều lần trên một vị trí, cọ sát mạnh để tán màu, như vậy sẽ gây bong và sờn mặt giấy cũng như gây vết lỗi khi phủ lớp màu tiếp theo.
Vẽ quả đa sắc với kỹ thuật chồng lớp (Wash)
- Cũng có thể dùng kỹ thuật ướt trên ướt (wet-on-wet), phủ lớp màu thứ 2 và thứ 3 khi lớp thứ nhất chưa khô, hoặc vẽ trực tiếp màu nước ướt lên mặt (giấy) khô mà không cần tạo các tầng màu trước.
- Đối với cách vẽ này, ta nên chú ý tới còn độ màu. Ở những bước sau, lượng màu được đưa vào nhiều hơn lượng nước để có được độ tương phản đậm nhạt và trong trẻo của màu.
- Sử dụng nhiều nước và phù hợp sẽ làm cho tác phẩm có độ loang nhiều hơn.
Trong Bài vẽ kết hợp đa sắc ngoài các kỹ thuật áp dụng, người vẽ cần quán xuyến bao quát các phần với cách sắp xếp bố cục, mảng miếng, hoà sắc, diễn tả được sự khác nhau của các chất liệu nhưng vẫn bật lên sự thuần khiết của màu nước. Làm rõ chính phụ, tỉ lệ tương quan, điểm nhấn cho tác phẩm.
Vẽ quả đa sắc với kỹ thuật ướt trên ướt (wet-on-wet)
Cách sửa lỗi sai trên tranh màu nước
Nếu phần màu đang ướt, dùng giấy lụa mỏng, mềm thấm phần màu thừa đi (chú ý: màu nước khô rất nhanh). Nếu màu đã khô, làm ướt lại chỗ màu đó rồi dùng giấy thấm đi, phần màu khô nhạt đi nhưng sẽ khó mất hoàn toàn, đặc biệt nếu là màu làm từ hạt sắc tố “staining” (hãm màu, loại này thấm vào giấy và khó xóa). Khi sửa tranh màu nước cần đặc biệt thận trọng, nếu giấy chất lượng không tốt, khi làm ướt rồi thấm màu mặt giấy dễ bong, tróc.
DoArt xin chúc các bạn có một bài vẽ màu nước đẹp!