Bất lực trước nạn tranh giả?
Tranh ảnh giả là vấn nạn đã có từ lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực nghệ thuật. Đối với Việt Nam tuy chưa phổ biến nhưng nạn “hàng giả” trong hội họa và nhiếp ảnh cũng đã gây ra nhiều phiền toái cho các nghệ sĩ chân chính.
|
Họa sĩ Thành Chương trước bức tranh Trừu tượng tại cuộc triển lãm |
Đặc biệt sự kiện 15 bức tranh triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị phát hiện là giả, dư luận không chỉ bất ngờ còn thật sự bất bình về nạn tranh ảnh giả “che mắt” người yêu nghệ thuật một cách công khai. Đó cũng là lý do để Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM chính thức gửi văn bản xin lỗi công chúng vì đã chấp thuận mở triển lãm tranh với chủ đề Những bức tranh trở về từ châu Âu trong tháng 7 vừa qua.
“Hàng giả” trong một triển lãm uy tín
Trước đó, tại cuộc họp báo giới thiệu quy mô của cuộc triển lãm mỹ thuật với sự có mặt của nhiều bức tranh giá trị của các họa sĩ danh tiếng, không ít người náo nức chờ đợi đón xem những tác phẩm hội họa mình yêu thích nhưng chưa một lần diện kiến ngoài đời. Nhiều người coi đây là cơ hội vàng để mình được tận mắt nhìn từng bức tranh “một thời vang bóng” của “tứ trụ danh họa” Việt Nam (Sáng - Nghiêm - Liên - Phái). Thế nhưng, niềm tự hào chưa kịp đến thì nỗi thất vọng đã ập vào lòng người khi 17 bức tranh trong phòng triển lãm của nhà sưu tập Vũ Xuân Chung bị nghi là tranh giả và tranh mạo danh. Ngoài 15 bức được cho là giả vì không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện còn có 2 bức được cho là mạo danh chữ ký của 2 danh họa Tạ Tỵ và Nguyễn Sĩ Ngọc. Điều đó càng được khẳng định sau khi một số họa sĩ lên tiếng và mang ra nhiều bằng chứng giàu sức thuyết phục. “Ấn tượng” nhất là bức Trừu tượng treo trong triển lãm được công bố là của họa sĩ Tạ Tỵ nhưng thực ra là của họa sĩ đương đại Thành Chương. Người phát hiện ra món “hàng giả” công khai giữa ban ngày này không ai khác chính là họa sĩ Thành Chương - “cha đẻ” của bức Trừu tượng. Sau khi đưa ra bản vẽ gốc, họa sĩ Thành Chương còn được các đồng nghiệp cùng thời đứng ra làm chứng là thân chủ duy nhất của bức tranh. Mặc dù nhà sưu tập Vũ Xuân Chung vẫn có lòng tin với những bức tranh mình đã mua từ nước ngoài nhưng theo ý kiến của giới chuyên môn chỉ cần nhìn sơ qua từng nét vẽ đường cọ là biết tranh giả và tranh mạo danh.
Không thể “lấy màn thưa che mắt thánh”, cuối cùng 15 bức tranh đều đã bị “tẩy chay” do hàng nhái quá vụng về qua sự soi xét của những cặp mắt nghề nghiệp tinh tường. Cũng chính vì thế mà một số chuyên gia coi đây là sự thất bại không đáng có của cuộc triển lãm và nỗi buồn không mong muốn của nền hội họa Việt Nam. Có dư luận còn quy kết đây là cú lừa ngoạn mục đối với công chúng và coi đây cũng là một vụ án kinh tế nhưng nhuộm đắng sắc màu nghệ thuật.
Thiệt hại về kinh tế, thiệt hại về niềm tin, vấn nạn tranh giả còn xúc phạm đến danh dự của những cây cọ nổi tiếng và đặc biệt là cả hương hồn những danh họa sáng giá đã mất của nền mỹ thuật nước nhà. “Vong linh của các họa sĩ bẽ bàng vì họ bị cho là làm ra những tác phẩm nghệ thuật không xứng đáng với danh hiệu danh họa vốn có” - họa sĩ Ngô Đồng - Hội Mỹ thuật Việt Nam bộc bạch. |
Qua sự kiện này, những người có trách nhiệm đã có cơ hội lên tiếng về một hành lang pháp lý để bảo vệ nền mỹ thuật chân chính của nước nhà và danh dự cho các họa sĩ khi gặp sự cố tranh giả, tranh mạo danh. Theo đề nghị của nhà điêu khắc gia Phan Gia Hương, cần có hội đồng thẩm định tranh cấp Nhà nước càng sớm càng tốt. Không chỉ lôi ra ánh sáng sự thật những bức tranh giả mà hội đồng thẩm định có uy tín còn khẳng định hơn giá trị những bức tranh thật để tạo được niềm tin trong công chúng.
Đi tìm hành lang pháp lý
Bà Phan Gia Hương cho biết, gần đây một số tranh đang bị làm giả nhất là tranh của các họa sĩ lớn nên phải có biện pháp xử lý cứng rắn vì đây cũng là một “vụ án” về nghệ thuật và còn làm tổn hại cả về kinh tế. Đây chính là ngọn đèn công lý xua tan những bóng tối và góc khuất về vấn nạn tranh giả ngang nhiên tự tung tự tác công khai.
Qua sự cố lùm xùm này, một số chuyên gia còn nghi ngờ đây là vụ “rửa tranh” từ nước ngoài đưa về. Theo đó, bên cạnh những bức tranh thật còn có một số “hàng nhái, hàng giả” cũng được tràn trộn bán ra nước ngoài giống như đồ tiêu dùng. Sau khi thu một khoản lời sau khi mua bán lòng vòng, tranh giả bị “đẩy” về Việt Nam để tự thanh lý. Như vậy chính chúng ta làm hàng giả của chính mình để người nước ngoài chứng nhận hộ và bán giùm. Cuối cùng mình làm mình chịu thật ê chề. Nếu những bức tranh này được “rửa” thành công nhất là khi được gắn mác tại các cuộc triển lãm lớn có uy tín như gallery Những bức tranh trở về từ châu Âu của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thì toàn bộ hàng giả không có giấy phép nghiễm nhiên được mặc định là hàng thật. Lúc đó những nhà sưu tập tử tế cất giữ tranh thật lại khổ tâm vì trắng đen lẫn lộn còn những kẻ chế tác và buôn bán tranh giả thì vui sướng hả hê vì đã qua mặt được mọi người một cách quá dễ.
Theo dư luận, tình trạng tranh Việt Nam bị làm giả ở nước ngoài đã có từ lâu chứ không phải mới đây. Tuy nhiên do lực bất tòng tâm nên người trong nghề đành khoanh tay bó gối chứ không làm được gì. Dù bán giá thấp nhưng họ vẫn kiếm được lời do người thưởng thức và nhà sưu tập đều là “kẻ ngoại đạo”. Nhất là khi “về nguồn” nhiều bức tranh giả mới bị “lật mặt nạ” ngay chính mảnh đất nó sinh ra. Cũng theo phán xét khách quan của giới chuyên môn, các nhà sưu tập đôi khi là tòng phạm tiếp tay của vấn nạn tranh giả nhưng cũng có khi là nạn nhân bất đắc dĩ của các bức tranh mạo danh.
Bài, ảnh: Quang Phan
Theo: Báo Giáo Dục