DO ART Trung Hoa là đất nước có nền văn hoá phát triển, trong đó, hội hoạ đạt nhiều thành công rực rỡ. Hội hoạ đối với người Trung Hoa là sự tổng hoà quan niệm về tự nhiên và con người trong đó hình vẽ là những biểu hiện cao cả về khả năng sáng tạo cũng như tâm hồn. Và dòng tranh sơn thủy được xem là thể loại tranh thành công của hội họa cổ Trung Hoa.
Người Trung Hoa quan tâm đến thể loại tranh phong cảnh từ rất sớm và sáng tạo ra loại tranh sơn thuỷ từ thế kỷ VII. Tranh sơn thuỷ đi sâu vào quan niệm thẩm mỹ của mọi tầng lớp trong xã hội Trung Hoa bất kể thời kỳ nào. Khác với tranh phong cảnh của người châu Âu, tranh sơn thuỷ không chỉ là những hình vẽ mang tính sao chép thiên nhiên mà còn là sự sáng tạo. Ở đây các hiện tượng thiên nhiên trở thành những biểu tượng của tinh thần. Chính vì vậy nói đến tranh sơn thuỷ Trung Hoa là nói đến tư tưởng, lối sống, quan điểm nhân sinh, sự suy nghĩ và tinh thần của người nghệ sỹ trước vạn vật tự nhiên.
Người Trung Hoa từ xưa thích sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên nên người nghệ sỹ thường mượn cảnh nói tình, lấy núi sông đất trời để biểu hiện tư tưởng của mình. Vì vậy tranh phong cảnh Trung Hoa mở ra một thế giới khác – thế giới đầy mơ mộng nhưng được xây dựng bằng trí tuệ, không vay mượn hiện thực mà là những điều được gợi lên từ cái nhìn bên trong của người nghệ sỹ.
Người phương Tây vẽ tranh phong cảnh với một cái nhìn phân tích bằng thị giác và phản ánh nó bằng các yếu tố của nghệ thuật hội hoạ như đường nét, hình khối, màu sắc, chịu sự chi phối và theo quy luật ánh sáng. Còn tranh sơn thuỷ không chỉ là cảnh sắc khách quan mà chính là tâm hồn, lối tư duy của tác giả và vì thế nó có phần bay bổng. Tranh chứa đựng cả sự gửi gắm tình cảm, tâm hồn, tư tưởng của người vẽ. Cũng chính vì vậy tranh sơn thuỷ không lấy lối vẽ phân tích theo cái nhìn tinh tế mô tả chi tiết cho giống với thực tế qua thị giác làm trọng mà thiên về tả ý, lưu lại những hình ảnh, giữ lại cái bóng của sự vật. Cảnh chỉ là một đối tượng để tác giả mượn cớ nói về cái tâm hồn của mình một cách tế nhị. Giá trị của nó không chỉ ở cảnh sắc của tranh mà thông qua bức tranh còn thấy cả tâm hồn của tác giả.
Tranh sơn thuỷ tồn tại với bề dày lịch sử, trải qua nhiều triều đại phong kiến, tuy có những giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn là một loại hình hội hoạ dân tộc nằm trong hệ thống tranh quốc hoa được hun đúc từ truyền thống văn hoá, tư tưởng phương Đông đặc sắc. Đặc điểm nghệ thuật của thể loại tranh này thường được tái tạo qua phương pháp viễn thị chủ quan và sáng tạo nghệ thuật bằng con mắt nội tâm đã trở thành bản sắc dân tộc có ảnh hưởng lớn đến nhiều dân tộc ở phương Đông. Bên cạnh đó sự ảnh hưởng và tác động qua lại của các hệ tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo đến tranh sơn thuỷ đã đưa thể loại tranh này có giá trị nghệ thuật và tầm tư tưởng lớn, trở thành cái đẹp thanh cao, bí ẩn mà người đời luôn luôn nghiên cứu tìm tòi và học tập.
Tranh sơn thuỷ không chỉ là của thế giới vật chất mà chính là cái đẹp tinh thần tâm lý của tác giả khi tiếp xúc với sự vật hiện tượng xung quanh. Dù là sỏi đá, những bụi cây cằn cỗi hay những gì tầm thường nhưng với một thái độ đẹp, một tâm lý đẹp người nghệ sĩ đã chuyển hoá nó thành những bức tranh đậm tình người. Chỉ với một tờ giấy, một mảnh lụa mỏng, một chút mực và một cây bút lông người nghệ sỹ Trung Hoa đã khéo dựng một nền nghệ thuật hội hoạ sơn thuỷ rất độc đáo mang tính chất dân tộc riêng của Trung Hoa có những thành tựu đóng góp to lớn dùng cái đẹp tượng trưng qua bức tranh đã làm cảm hoá lòng người.